Tình huống mặt trận Chiến_dịch_Gorodok_(1943)

Do kết quả của Chiến dịch tấn công Nevel, quân đội Liên Xô đã có một bàn đạp lợi hại để tiếp tục phát triển tấn công. Tuy nhiên, với binh lực chỉ có hai tập đoàn quân xung kích (tổng cộng 12 sư đoàn), Phương diện quân Kalinin không đủ lực lượng để tiếp tục thực hiện kế hoạch. Ngày 20 tháng 10, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô ra chỉ lệnh cơ cấu lại các Phương diện quân trên mặt trận Xô-Đức. Theo đó, Phương diện quân Kalinin được đổi thành Phương diện quân Pribaltic 1. Thượng tướng Ivan Khristoforovich Bagramian được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh Phương diện quân này, thay thế thượng tướng Andrei Ivanovich Yeryomenko được điều động về Đại bản doanh và sau đó đến chỉ huy Tập đoàn quân độc lập Duyên hải tại mặt trận Krym.[1]

Sau khi mất Nevel, quân đội Đức Quốc xã tổ chức nhiều trận phản kích ở phía nam thành phố này và tạm thời chặn đứng quân đội Liên Xô tại tuyến phòng ngự giữa các hồ Nevel, Yemnets, Ordovo, Yezerishe và Senitsa. Tuy nhiên, bằng các trận đánh lấn quy mô nhỏ cấp sư đoàn và trung đoàn, các tập đoàn quân xung kích 3 và 4 (Liên Xô) đã mở rộng phạm vi kiểm soát xung quanh Nevel. Khi tiếp nhận Phương diện quân Pribaltic 1, tướng I. Kh. Bagramian cho rằng các trận đánh nhỏ lẻ nhưng rất ác liệt, tích tụ thương vong lớn cho quân đội Liên Xô nhưng đem lại ít kết quả. Cần phải tạo ra một bước đột phá để tiếp cận Vitebsk mới có thể thúc đẩy sự phát triển tấn công của Phương diện quân. Ngoài mục tiêu mở rộng bàn đạp Nevel, cần phải thủ tiêu cụm quân Đức tại phía bắc Gorodok, nơi xuất phát của các cuộc phản kích của quân Đức vào phía nam Nevel. Từ đó mới có thể tạo ra những bước ngoặt mới.[2]

Cuối năm 1943, các diễn biến chiến sự lớn trên mặt trận Xô-Đức diễn ra chủ yếu tại khu vực sông Dniepr và xung quanh Leningrad. Ở Ukraina, quân đội Liên Xô giải phóng Kiev và bắt tay vào các chiến dịch thu hồi vùng hữu ngạn sông Dniepr, Ở phía bắc, Phương diện quân LeningradPhương diện quân Volkhov đã phá vỡ vòng phong tỏa Leningrad và không ngừng đẩy quân Đức cũng như quân Phần Lan ra xa thành phố. Trên hướng Tây, sau khi giải phóng các khu vực Smolensk, Roslavl, Bryansk, các phương diện quân Liên Xô phải dừng lại trước các cửa ngõ tiến vào Byelorussia do một phần lực lượng dự bị đã sử dụng hết, một phần lớn đã được điều đi tăng cường cho các mặt trận phía bắc và phía nam trong các chiến dịch tấn công lớn. Để tạo ra bước ngoặt, Phương diện quân Pribaltic 1 cần được bổ sung lực lượng hoặc thu hẹp chính diện. Xét thấy các trận tấn công vỗ mặt của Phương diện quân Tây trên khu vực Orsha và Mogilev khó thu được kết quả khả quan. Ngày 19 tháng 11 năm 1943, STAVKA điều động Tập đoàn quân cận vệ 11 (lúc này đã hoàn thành Chiến dịch tấn công Bryansk) cho Phương diện quân Pribaltic 1, điều động Tập đoàn quân cận vệ 6 tăng cường cho Phương diện quân Pribaltic 2 Phương diện quân Pribaltic 1 chuyển giao Tập đoàn quân 39 cho Phương diện quân Byelorussia 3 (Phương diện quân Tây cũ). Tập đoàn quân xung kích 3 cũng được chuyển giao cho Phương diện quân Pribaltic 2. Chính diện của Phương diện quân Pribaltic được thu hẹp bớt khoảng 100 km, trong đó có hơn 70 km chính diện hướng Tây và tây bắc Nevel được chuyển giao cho Phương diện quân Pribaltic 2.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Gorodok_(1943) http://www.pobeda.witebsk.by/land/epizode/1943/ http://haradok.info/rus/%D0%B3%D0%BE%D1%80%D0%BE%D... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/ http://militera.lib.ru/h/kirichenko_pi/09.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/08.html http://militera.lib.ru/memo/russian/bagramyan2/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/beloborodov2/1...